Nhưng người ta tự hỏi, chữ Quốc ngữ có phải là một sự việc độc nhất ghi dấu cuộc tiếp xúc Âu Việt, hay còn có một biến cố nào khác về văn hóa? Chúng tôi trả lời là có, và có trước cả việc phiên âm Việt ngữ. Biến cố này xảy ra thầm kín hơn, sâu sắc hơn, và cũng vì thế ít người để ý hơn, có lẽ cũng vì thiếu tài liệu và khó khăn việc tìm tòi. Đó là điều mà chúng tôi muốn trình bày ở đây.
Địa vị chữ Nôm cho tới thế
kỷ XVII
Người Việt Nam từ ban
đầu hẳn đã có một tiếng nói riêng biệt hay tiếng Việt. Song còn về chữ viết thì
chưa rõ. Có lẽ văn tự ấy đã phát hiện từ đời Sĩ Nhiếp, nhưng chắc chắn đã thành
hình và sử dụng từ thời Hàn Thuyên (thế kỷ XIII). Tuy nhiên việc sử dụng ấy rất
có giới hạn. Người thời ấy có quan niệm khinh tiếng mẹ đẻ, coi thường chữ viết
hay chữ Nôm, nếu chúng tôi không lầm, thì tương tự như thái độ khinh thị và sao
nhãng Việt ngữ của một số người thời đại chúng ta. Các sử gia và các tác giả
đều đã nhận thấy sự kiện ấy. Chữ Nho hay Hán tự đã được dùng trong các học
đường, trong các cơ quan hành chính, trong việc biên soạn sử địa, trong sự diễn
đạt tư tưởng. Chữ Nôm thì giữ một địa vị bà con nghèo, để tiêu khiển trong vài
ba câu thơ, ngâm nga mấy câu hát nói… “Nôm na mách qué” là thế, đến nỗi chữ
“Nôm” trở nên gần như đồng nghĩa với “tầm thường”, “bình dân”, “thô thiển”,
trái với tiếng “chữ” có nghĩa là “văn học”, “có học”, “thanh tao”. Một tỉ dụ
không đúng, song rất gần như thái độ của chúng ta ngày nay, khi nói chuyện mà
kèm thêm được vài ba chữ, vài ba câu Pháp ngữ, Anh ngữ. Nói nôm và nói chữ là
thế.
Nhưng nếu có văn gia nào có
thời giờ nhàn rỗi mà soạn một cái gì bằng chữ Nôm thì chỉ là những bài hát vần,
thơ phú, chứ tuyệt nhiên không ai quan tâm soạn sách chữ Nôm bằng văn xuôi.
Phải chăng đây cũng là một trong những đặc điểm của nền văn chương Việt Nam cho
tới thế kỷ XVII. Các thi văn, truyện ký, sử ký, địa chí đều viết bằng Hán văn,
còn về Việt văn, chỉ toàn là vận văn. Tình trạng này thực ra còn kéo dài mãi
đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nói tắt, người ta chưa có ý thức về địa
vị của Việt ngữ trong việc giáo hóa và truyền đạt tư tưởng. Bởi thế, chữ Nôm
văn xuôi chưa được một địa vị xứng đáng với văn tự của một nước có chủ quyền
độc lập, một tiếng nói của mọi người dân Việt.
Chữ Nôm dưới mắt của giáo
sĩ người Âu
Nói chung thì một người Âu
thế kỷ XVII mới tiếp xúc với nước Việt Nam đều phải nhận thấy một sự việc phức
tạp này: ngoài thứ chữ chính thức trong các trường học, các khoa thi, các giấy
tờ, còn một thứ chữ tương tự (thực ra chỉ tương tự thôi) đó là chữ Nôm. Hơn thế
nữa, nếu người Trung Hoa nói tiếng quan thoại và viết tiếng đó bằng “chữ nho”
thì người Việt khi viết thì viết bằng Hán tự, còn khi nói thì nói bằng “chữ
Nôm”. Nhận xét trên biểu lộ một thái độ lệ thuộc văn tự khá tệ hại của các nhân
sĩ thời xưa.
Giáo sĩ Borri đã so sánh
việc dùng chữ Hán tại Việt Nam thế kỷ XVII tương tự như việc sử dụng tiếng
latinh thời Trung cổ tại Âu châu. Thời đó, La ngữ là tiếng của kẻ trí thức,
tiếng chính thức dạy trong các học đường và là tiếng độc nhất, mặc dầu mỗi nước
đã có một tiếng nói bản thổ, song chưa được chính thức gia nhập vào phạm vi học
đường và tư tưởng, cho tới ngày tiếng bản thổ thay thế hẳn cho la ngữ, tiếng
này trở về địa vị một tử ngữ chứ không còn là “sinh ngữ” độc tôn.
Theo Borri thì Hán tự gồm
80.000 chữ, mỗi chữ đều có một hình thức khác nhau, đến nỗi phải để ra 10 năm
mới trông viết được đầy đủ, mà thực ra đã dễ đâu! Người Việt Nam đã rút bớt thứ
chữ viết của họ, nghĩa là chữ Nôm, nên chỉ còn chừng 3 ngàn chữ thôi. Trái lại
người Nhật Bản đã sáng chế ra một thứ mẫu tự gồm 48 chữ cái để có thể biên soạn
những công việc thường nhật. Song chính người Nhật vẫn trọng dụng chữ Hán, đến
nỗi người ta đã gọi thứ chữ vắn tắt này là chữ của đàn …
Nếu giáo sĩ Borri đã rõ
ràng đề cập một cách sơ lược tới chữ Nôm, thì không phải chúng ta sẽ hiểu là
ngài đã học hay viết được thứ chữ khó khăn ấy. Thật vậy, trong đoàn giáo sĩ
tiên khởi đến truyền bá Kitô giáo tại Việt Nam vào thế kỷ XVII, trừ một vị mà
chúng tôi sẽ bàn giải sau, thì không một ai đã tỏ ra thông thạo chữ Nôm. Người
có tên tuổi trong văn hóa Việt Nam , cha Đắc Lộ, không hề để lại một bút tích
nào chứng thực ngài đã biết chữ Nôm. Điều này có lẽ không có chi lạ: bởi vì chữ
Nôm là thứ chữ vừa thuộc loại tượng hình như chữ Hán, vừa thuộc loại tượng âm.
Cho nên muốn biết chữ Nôm, phải thông thạo Hán tự đã. Bởi vậy đối với các người
ngoại quốc, có thể nói là một thành trì bít kín không thể xâm nhập đặng.
Đọc các tác phẩm của giáo
sĩ Đắc Lộ chúng ta thấy rõ ngài không biết chữ Nôm, cả đến chứ Hán nữa. Song
không phải vì thế mà chữ Nôm không có một địa vị quan trọng trong việc truyền
bá Kitô giáo. Thật vậy, chúng ta thấy rằng những người cộng sự đầu tiên của
giáo sĩ Đắc Lộ trong công việc này là những người Việt Nam có học, nghĩa là vừa
thông thạo chữ Hán vừa thấu đáo chữ Nôm. Những lời giáo huấn, những kinh sách
ngài rao giảng được biên chép lại, dĩ nhiên bằng chữ Nôm, trong khi đó chắc
chắn là nhà truyền giáo của chúng ta đã ghi lại bằng thứ chữ latinh do các giáo
sĩ khác khởi xướng và do chính ngài điều chỉnh và hoàn bị dần dần, với thời
gian. Trong một bệnh viện, Simon đã chép các kinh sách; bà “chị nhà vua” đã làm
thơ vịnh lại tất cả bộ sách giáo lý, bà Catarina, thầy Phanxicô, thầy Inhaxu
cũng đã ghi lại các điều về đạo; chính các giáo hữu cũng đã soạn một cuốn lịch
các ngày lễ tôn giáo và đem in, nhất là câu truyện các giáo đoàn miền Bắc đã
gửi cho các giáo đoàn miền Nam một bộ gồm 20 cuốn sách do các giáo sĩ miền Bắc
soạn: dĩ nhiên bằng chữ Nôm.
Trên con đường tìm tòi
những tác phẩm chữ Nôm thế kỷ XVII
Như vậy, ngay từ thế kỷ
XVII, với đoàn giáo sĩ tiên khởi, người ta hẳn đã thấy có những tác phẩm bằng
chữ Nôm. Bởi vì đi tới đâu, các ngài đã dùng ngay ngôn ngữ ở đấy để soạn các
sách về tôn giáo, hoặc phiên dịch Kinh thánh cho người bản thổ đọc và học. Chữ
Quốc ngữ thời đó mới còn trong giai đoạn nghiên cứu, giai đoạn phôi thai, ở
trong vòng sử dụng, hay đúng hơn thử nghiệm của một số giáo sĩ ngoại quốc và có
lẽ cả một số những người Việt cộng tác mật thiết với các ngài. Có thể nói được
rằng: chính cuốn sách Quốc ngữ đầu tiên mà chúng ta ngày nay được biết,
cuốn “Phép giảng tám ngày…”của giáo sĩ Đắc Lộ in năm 1651, đã qua
một giai đoạn chữ Nôm trước khi được phát hành thành sách bằng Quốc ngữ hay
Việt ngữ phiên âm.
Vậy, những tác phẩm tôn
giáo bằng chữ Nôm tiên khởi ấy, nghĩa là trước sau hay đồng thời với niên hiệu
1651, có hay không, nếu có thì ai là tác giả và gồm những quyển nào?
Tác giả Thanh Lãng, trong
cuốn “Biểu nhất lãm văn học cận đại”, Sài Gòn, năm 1958, đã có công
cho độc giả hiểu biết thêm về văn chương Kitô giáo. Trong nhóm “nhà văn” này,
người ta thấy giáo sĩ Đắc Lộ (thế kỷ XVII), thuỷ tổ chữ Quốc ngữ, linh mục
Philipphê Bỉnh (thế kỷ XVIII), nhà văn lưu lạc nơi quê người. Như vậy, hai thế
kỷ XVII- XVIII, Kitô giáo chỉ để lại các tài liệu chữ Quốc ngữ, còn chữ Nôm thì
tuyệt nhiên không có, hay chưa được tác giả bàn giải tới (theo Thanh Lãng).
Năm 1959, linh mục Nguyễn
Hồng đã cho xuất bản bộ “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam”, trong đó
tác giả đã dành một đoạn dài đề cập tới “các thừa sai dòng Tên với nền văn hóa
Việt Nam”. Người ta chỉ nhận thấy giáo sĩ Đắc Lộ với chữ Việt phiên âm do ngài
hoàn thành và một số mấy giáo sĩ khác đã lưu lại những tác phẩm thuộc phong
hóa, lịch sử. Vấn đề các sách soạn bằng chữ Nôm đã không được nghiên cứu tới.
Người ta có cảm tưởng như hình ảnh quá “vĩ đại” của giáo sĩ Đắc Lộ đã choán hết
sự chú ý của soạn giả. Thực ra, việc thành lập chữ Quốc ngữ là một biến cố rất
mực quan trọng cho tiền đồ văn học nước nhà, song không phải chỉ có những sự
nghiệp về chữ Việt phiên âm trong thế kỷ XVII, mà còn có một nền văn hóa chữ
Nôm đáng cho ta chú ý tới nữa. Âu cũng là một thiếu sót của bộ Lịch sử rất quý
và rất công phu, bộ sử Kitô giáo thứ nhất viết một cách khoa học và đầy đủ tài
liệu, nhất là những tài liệu chưa bao giờ ấn hành (Nguyễn Hồng).
Những văn liệu chữ Nôm thế
kỷ XVII hiện nay được tàng trữ tại Thư viện quốc gia Paris .
Năm
1951, trong khi sưu tầm những sách nói về vị truyền giáo thời danh tại Đông Nam
Á, cha Schurhammer, người Đức đã giới thiệu với thế giới Công giáo một nhân vật
người thành Napoli bên Ý,người đã giảng đạo tại Việt Nam cũng vào thời kỳ với
cha Đắc Lộ. Đó là cha Girôlamô Majorica (1591-1656), người đã soạn nhiều sách
tôn giáo bằng chữ Nôm, trong đó có nhiều tích truyện thánh, sách giáo lý và tiểu
sử Phanxicô Xavie. Những kết quả của việc khảo cứu này đã được đăng trên một
tạp chí bằng tiếng Đức năm 1951 (Georg SCHURHAMMER, Annamitisch Xavierius
Literatur đăng trong quyểnMissionswissenschaftliche Studien, Anchen, 1951 tr.300
- 314).
Giáo sĩ Schurhammer trong
khi kiểm điểm những văn liệu tại Bảo tàng viện của dòng Tên ở Rôma, mới chỉ
biết trên giấy tờ về thân thế và sự nghiệp của Majorica, song thực ra chưa tìm
ra chính những tác phẩm đó. Cũng như trong một tài liệu khác, người ta thấy
rằng: khi mấy giáo sĩ đầu tiên thuộc Hội truyền giáo ngoại quốc Paris đến Việt
Nam, nghĩa là vào những năm sau năm 1660, các ngài đã vội vã thu được trên dưới
50 cuốn sách viết bằng chữ Nôm và gởi ngay về Âu châu, giữ làm tang vật và kỷ niệm.
Cho nên với công cuộc của Schurhammer và tài liệu trên, người ta được biết chắc
chắn đã có một số tác phẩm và đã có một tác giả soạn sách tôn giáo bằng chữ
nôm.
Có lẽ do một sự tình cờ,
trong khi chú trọng nghiên cứu những tài liệu văn hóa cổ Việt Nam tại Âu châu,
giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã khám phá ra một số sách khá quan trọng bằng chữ Nôm
hiện lưu trữ tại thư viện quốc gia Paris. Bộ sách này đã do giáo sĩ Majorica
dịch hay soạn. Như vậy, công việc của ông Hoàng Xuân Hãn đã đến xác nhận những
tìm tòi của Schurhammer. Tất cả những tác phẩm này đều còn là bản thảo viết
tay. Giáo sư đã tả lại như sau: “Năm 1951, trong khi kê khai thư mục về những
sách bằng chữ Nôm lưu trữ tại Thư viện quốc gia Paris, tôi đã tìm ra một số bản
thảo của nhà thừa sai đó (Girôlamô Majorica), còn nguyên từ thời tác giả. Tất
cả đều xuất xứ từ một chủng viện Truyền giáo ngoại quốc, và đã được xếp vào
ngăn Hán tự, nhất ngăn Fourmont. Hầu hết cùng một khổ chung (16 x 25) viết trên
giấy dó, đóng theo sách nho, bìa bằng vỏ cây phết cậy. Màu bìa xam xám, mềm và
dai. Chín cuốn trong bộ đó chắc chắn là của một người, bởi vì bìa đều có dấu
hiệu riêng là gấp làm ba mặt”.
Theo bài chính giáo sư đã
cho đăng ở một tập san sử liệu (Hoàng Xuân Hãn, Girolamo Majorica, ses oeuvres
en langue vietnamienne conservées à la bibliothèque nationale de Paris, trong
“Archivum Historicum Societatis Iesu”, vol XXII, 1953, tr.203-214) thì lối viết
thảo cổ, thuộc thế kỷ XVII hay XVIII rất dễ đọc và nhiều khi rất đẹp. Trong
nhiều quyển, người ta đọc tới tên người sao lại, tỉ như Vito Tri, một người khá
quen biết trong hàng linh mục Việt Nam tiên khởi thế kỷ XVII. Tên tác giả cũng
được biên bằng chữ nôm: “Chi-yo-ni-mo Mai-o-yi-ca” hoặc bằng chữ Roma” Jeronymo
Mayorica”.
Cuộc cách mạng chữ Nôm
Địa vị chữ Nôm trong giai
đoạn này là một cuộc cách mạng. Nếu Hồ Quý Ly đã một phần nào thất bại trong
việc tiến cử chữ Nôm làm văn tự chính thức trong giới văn học và dân chính, nếu
sau này, thế kỷ XVIII vua Tây Sơn Nguyễn Huệ mới chỉ khởi xướng và chưa kịp
hoàn tất công cuộc dịch thuật các sách ra chữ Nôm và dùng chữ này trong các
khoa cử, thì ngay đầu thế kỷ XVII, các giáo sĩ người Âu, nhất là Mai Do người Ý
đã thực hiện được cuộc cải cách lớn lao và bền bỉ. Đó là lấy ngôn ngữ, văn tự
của người địa phương để giáo hóa người địa phương, dùng chữ Nôm để truyền bá
tôn giáo cho người Việt mà ngót 50 sách của Mai Do là một bằng chứng vĩ đại.
Nhưng nếu gọi việc sử dụng
chữ Nôm của Mai Do là một cuộc cải cách lớn lao trong nền văn hóa nước nhà, thì
phải nói ngay đến việc sáng lập chữ Quốc ngữ, cũng trong thế kỷ XVII là một
cuộc cải cách lớn lao khác.
Như thế hai nhân vật, hai
sự nghiệp phải nhắc nhở đến, trong giai đoạn chuyển hướng của văn học nước nhà,
khi bước sang một thời đại mới, đó là giáo sĩ Mai Do với những tác phẩm viết
tay bằng chữ Nôm và giáo sĩ Đắc Lộ với những sách in bằng Quốc ngữ.
Giáo sĩ
Mai Do (Majorica) Giáo sĩ
Mai Do, thuộc dòng Tên, sinh năm 1591, tại thành Napoli, nước Ý. Gia nhập
Dòng năm 1605, đến năm 1619 được cử sang Ấn Độ. Cứ theo thủ tục thời đó, ngài
qua Lisbon, thủ đô Bồ, rồi ở Goa hai năm. Vào năm 1623, ngài khởi hành đến
Macao, với ý hướng tới truyền giáo tại Nhật. Song vì nước Nhật đang khủng bố
Kitô giáo, cho nên người ta thấy ngài trở lại Macassar, rồi tới miền Nam nước
Việt, chắc là tại Hội An. Sau 5 năm, nghĩa là năm 1629, ngài bị trục xuất,
lúc đó ngài đã thông thạo Việt ngữ lắm. Trú ngụ tại đất Chàm, ngài bị tống
lao và chỉ được cứu thoát là nhờ sự can thiệp của người Bồ: ngài trở về Macao
. Năm
1631 ngài ra Đàng Ngoài (Bắc) và truyền giáo tại đây nhiều năm. Theo cha
Schurhammer và ông Hoàng Xuân Hãn, thì ngài mất ngày 27 tháng 1 năm 1656. Một
tài liệu khác còn cho biết là ngài chết tại thủ đô Hà Nội ngày nay. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét