Chữ Nôm Công Giáo: Nhận định & trao đổi với một giáo sư dạy Hán Nôm tại đại học Hoa Kỳ (trích)

 

CHỮ NÔM CÔNG GIÁO: NHẬN ĐỊNH & TRAO ĐỔI VỚI MỘT GIÁO SƯ DẠY HÁN NÔM TẠI ĐẠI HỌC HOA KỲ

 

                                                                                                     Nguyễn Đức Cung

                                                                                 Philadelphia, September 16 - 2020

            Khi viết bài “Chữ Nôm với đạo Công Giáo trong thế kỷ XVII-XX” tôi nghĩ về công lao của các vị Thừa sai Âu châu lặn lội đến VN để truyền đạo. Những vất vả khổ cực của họ trên bước đường truyền giáo như sự cấm cách của chính quyền, sự thù nghịch của các tôn giáo khác, sự khó khăn trước hàng rào ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán trong đời sống xã hội v.v. Theo dõi cuộc lễ kỉ niệm 400 năm lịch sử chữ Quốc Ngữ tại Sài gòn do Tòa TGM Sài gòn tổ chức, qua đó một thuyết trình viên, LM Tiến Sĩ Trần Đức Anh cho biết hiện thời ở Vatican còn có rất nhiều tư liệu chữ Nôm mà chưa được các nhà nghiên cứu đưa vào sử dụng. Thật cũng là một duyên kì ngộ khi vừa qua Giáo Sư Tiến Sĩ Ngô Thanh Nhàn, sau khi đọc bài viết về chữ Nôm của tôi đăng trên Vietcatholic, đã nhờ LM Giám Đốc Vietcatholic, Cha Trần Công Nghị qua một Cộng tác viên lâu đời của TTXCG, Cô Emily Nguyên, liên lạc với chúng tôi để có dịp quen nhau và trao đổi hiểu biết, kiến thức về chữ Nôm, một kho tàng văn hóa của dân tộc.

            Nhận thấy nội dung điện thư của nhà nghiên cứu Nôm học, Giáo sư Tiến Sĩ Ngô Thanh Nhàn, hiện dạy học tại Đại Học New York và Đại Học Temple (Philadelphia) phản ánh nhiều lối nhìn rất thoáng về tương lai chữ Nôm và có nhiều mách bảo hữu ích vốn cần thiết cho việc nghiên cứu và bảo lưu ngành Nôm học nên chúng tôi xin trích lại và có những nhận xét sơ khởi:

            1.- Quá trình nghiên cứu trong phạm trù chữ Nôm:

            Qua điện thư trao đổi ngày 9 & 10 September, 2020, Giáo sư Ngô Thanh Nhàn cho biết:

            1.-“Trước đó làm việc với Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhiều việc. Đầu tiên là tham gia với Unicode năm 1994 để góp chữ mới cho nhóm chữ biểu ý. Họ đã tiếp tục từ ấy đến nay. Việc thứ hai là cùng chúng tôi, lúc đó tôi còn trong Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm, tổ chức hai hội nghị quốc tế về chữ Nôm tại Hà Nội 2004 và Huế 2006. Năm 2002 tôi có diễm phúc làm việc với Lm Trần Văn Kiệm để làm font chữ Nôm Na Tống để in lại quyển ‘Giúp đọc Nôm và Hán Việt’, sau 2 năm ra sách năm 2004. Mục tiêu là đưa chữ Nôm vào thư viện và bảo tàng viện ở Việt Nam bằng phương pháp chuẩn quốc tế (khi họ làm ra máy mới, cái nào cũng có chữ Nôm). Ngành Nôm học, không chỉ là chữ Nôm, nếu nhìn chữ Nôm từ nhiều góc cạnh khoa học…Nó tự thành Nôm học khi dùng vào ngành thư viện.”

            Như vậy là trong nhiều năm qua, Giáo Sư Ngô Thanh Nhàn đã có những đóng góp tích cực về kỹ thuật điện toán và điều mà ông gọi là “diễm phúc” khi làm việc với LM Trần Văn Kiệm để in lại quyển ‘Giúp đọc Nôm và Hán Việt’ một công trình tim óc qua font chữ Nôm Na Tống (?), việc này cụ thể hóa phần nào thành quả Giáo Sư đã đạt được trong lãnh vực bảo tồn di sản chữ Nôm. Lúc LM Trần Văn Kiệm còn sống và cư ngụ tại Atlanta, GA, tôi cũng đã có dịp viếng thăm ngài và được tặng một số ấn phẩm về Kinh Thánh, Từ điển Văn học v.v…

            Ở đoạn dưới, lá thư điện tử của GS Ngô Thanh Nhàn cho biết :

            2.-“Thư viện Giáo Hoàng Vatican tìm tôi để đưa các sách đã có ở trong kho nhưng chưa làm được thẻ thư viện cho người đọc. Trong bản tin có nói đến, 110 đầu sách và thủ bút. Tôi đến đó trong 10 ngày làm xong thẻ thư viện cho nhóm tư liệu này. Và sẽ tiếp tục làm xong khi Bộ phận Số hóa của Thư viện tìm ra cách chụp sách ổn thỏa. Tôi đang xin đến làm việc lại để tìm tất cả sách chữ Nôm, hay bị lẫn trong kho đã cho vào khu Trung Hoa (Thư viện Quốc hội Mỹ cũng bị thế khi người đi trước làm kho chữ Hán, vì sách chữ Nôm khi đóng bì mới ghi tên, và thường là tên Hán Việt).”

            Trong thời gian từ 1954 đến 1975, tại Miền Nam, nền văn chương Việt Nam nói chung được quảng bá rất nhiều qua các chương trình các cấp tiểu học, trung học và đại học, biết đến trong một số sách vở của các học giả tiền bối như Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Phạm Quỳnh v.v… hoặc dưới tài liệu giáo trình, nghiên cứu hay nhiều sách vở, báo chí của các nhà nghiên cứu, của các giáo sư Viện Đại Học Sài Gòn, Viện Đại Học Huế, Viện Đại Học Đà Lạt như Giáo sư Lê Văn Lý, Thanh Lãng, GS Trần Văn Toàn, GS Nguyễn Văn Trung, Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Hảo, Lê Tuyên v.v… Tuy vậy, đa số các tài liệu Hán Nôm vẫn chưa được khai thác trọn vẹn bởi vì người biết chữ Hán quá ít, không mấy ai đọc nổi. Các tài liệu quý đều nằm ở Thư Viện Vatican, Thư viện ở Pháp như MEP hoặc Aix-en-Provence. Ngày nay có lẽ do nhu cầu tìm hiểu tôn giáo lịch sử ngày càng cao nên Tòa Thánh Rô ma đã đề nghị giới nghiên cứu văn học, sử học Việt Nam lưu tâm tới số tư liệu quý báu về chữ Hán chữ Nôm còn tàng trữ ở bên đó.

            Trong điện thư ngày 10 September gửi Giáo Sư Ngô Thanh Nhàn, tôi có viết ở đoạn 3 như sau: “Đối với một nhà nghiên cứu về tư liệu văn hóa Công Giáo, tôi nghĩ cần thiết phải có tinh thần tôn giáo, hay ít nữa thấm nhuần chút ít tư tưởng tôn giáo đó thì tư liệu mình muốn dịch mới phản ánh đúng tinh thần nguyên bản. Một dịch giả Phật Kinh, Cưu Ma La Thập, thế kỷ V – CN có nói: “Dịch văn là như nhai thức ăn giùm cho kẻ khác… Đây không phải dịch, nhưng đọc lại văn bản chữ Nôm, vấn đề vốn đơn giản hơn.” Giáo sư Nhàn đã kết như sau:

            3.-“Thầy nói điểm này đúng ý tôi. Khi trẻ tôi đọc triết và triết Âu châu, và các loại kinh tôn giáo. Tôi cần phải học thêm thần học Công giáo…và biết thêm giai đoạn lịch sử các giáo sĩ đến Việt Nam. Cách làm việc hết sức khiêm tốn và chăm chỉ, có óc khoa học, và rất giỏi chữ Nôm. Khó nhất không chỉ là cách phiên từ  tên la-tinh sang chữ Nôm, theo tiếng địa phương, và có sự thay đổi theo thời gian. Một từ trong Thánh Kinh, họ không dịch thẳng, mà tìm một câu tục ngữ, ca dao, v.v. để dịch từ ấy, và chủ nhật đem ra giảng. Không những thế họ làm chung một quyển đối chiếu, và chia nhau các bản chép lại. Cách chuyển ngữ la-tinh sang Nôm thay đổi, cách dịch từ Thánh Kinh sang chữ Nôm cũng thay đổi… theo thời gian. Do đó, chữ Nôm Công giáo là một cứ liệu ngôn ngữ học lịch sử tối quan trọng. Những điều ghi trong các từ điển này cũng quan trọng về mặt lịch sử, xã hội, tập tục, v.v.”

            Sau khi gửi những đoạn ghi trên kèm theo một tư liệu mà tôi tạm gọi là “Bản Lược Đồ 87 (Dublin Core Nôm), Giáo Sư Ngô Thanh Nhàn viết tiếp :

            4.-“Chỉ riêng tựa sách, tác giả, cộng sự, v.v. cũng lắm vấn đề… Tôi ví dụ như tên Giám mục viết bằng chữ Nôm… Đoạn này nhờ thầy chỉ giáo… Tôi có hỏi các cha ở Rôma, nhưng các cha cũng không rành… Cụ thể là tôi cần (a) một quyển từ điển công giáo, (b) một quyển sử công giáo ở Việt Nam, (c) một/nhiều quyển thần học Công giáo,… Nếu thầy biết tôi hết sức cám ơn. Nhờ có sách Công giáo mà tôi tìm ra dấu tích cũ Hát Xẩm, vốn là con hát ăn mày mù, nên sách Việt Nam không ghi. Cám ơn thầy, Nhàn.”

            Sau khi đọc kỹ các bức điện thư của Giáo Sư Ngô Thanh Nhàn, theo dõi trang Web ‘Nôm Studies với bản Report on 87 Dublin Core Nôm uncatalogued resources (Bản báo cáo Dublin về 87 tư liệu chữ Nôm chưa được sắp danh mục) cùng thưởng thức mục Hát xẩm trong Hát Xẩm,  Folk Songs of the Blind Traveling Beggars, nhận thức tầm quan trọng của chữ Nôm, nhất là những công trình mang tính tôn giáo, văn hóa, lịch sử và xã hội mà các vị thừa sai trước đây đã đóng góp,  tôi có những tìm tòi và góp ý như sau:

            2.- Bổ túc và làm rõ tên tác giả, ảnh hưởng tác phẩm qua các số mục của Bản báo cáo như sau :

            Khi đọc vào các bản văn Nôm Công Giáo, nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy lúng túng về các tên thánh (thánh hiệu) được viết trước các tên thật thường sử dụng tên thánh chữ Hán Việt hoặc tên thánh phiên âm theo chữ Nôm, thí dụ khi nói về Giám Mục Pigneau de Béhaine, người ta hay viết Giám Mục Bá Đa Lộc, bởi vì Bá Đa Lộc 伯 多 祿  là âm Hán Việt phiên từ chữ Petrus hay Vê-rô thường gọi là Đức Thầy Vê-Rô.

            Sau đây chúng tôi xin đề cập đến một số đề mục của tài liệu chữ Nôm cần bổ túc hay biện giải:

No. 5: Thập giới quảng nghĩaGiám Mục Ca lỗ lơ Khiêm truyền tử [1865], 180 trang.

            Ở đây xin chú ý đến hai chữ  “Ca lỗ lơ Khiêm” và “truyền tử”. Ca-lỗ-lơ là do chữ Carolo trong ngôn ngữ Bồ Đào Nha mà dịch ra chữ Nôm, hoặc tiếng Tây Ban Nha là Carlos và qua tiếng Pháp là Charles. Giám Mục Ca-lỗ-lơ Khiêm chính là Giám mục Charles Hubert Jeantet, tên Việt là Khiêm. Còn hai chữ “truyền tử”傳 梓 có nghĩa khắc chữ lên bản gỗ cũng giống như chữ la-tinh Imprimatur (được phép in) trong các sách Công Giáo do các đấng bản quyền ban ra sách mới được phép in. Có khi sách đòi hỏi các chữ “Imprimi Potest” hoặc “Nihil Obstat” (Được phép in, Không có trở ngại). Giám mục Charles Khiêm không phải là tác giả sách “Thập giới quảng nghĩa” mà chỉ là đấng bản quyền cho phép in sách.

            Trong cuốn ‘Lịch sử Giáo Phận Vinh’ do Vương Đình Chữ chủ biên, Tập I nói về Công Giáo Nghệ-Tĩnh-Bình thời các thừa sai nước ngoài, do Định Hướng Tùng Thư in năm 2015, cùng một số gồm nhiều người tham gia biên soạn, ở trang 203 có ghi Đức Cha Guillaume Clément Masson Nghiêm là người ham thích viết và để lại nhiều công trình tu đức như: - Từ nguyên yếu lý (Doctrine chrétienne), Nhà in Nazareth, Hong Kong, 1897, 706 trang; Thập giới quảng nghĩa (Les commmandements). Nhà in Kẻ Sở, 1889, 260 trang.”  (trang 203)

            Trong cuốn sách của ba tác giả Lê Ngọc Bích (chủ biên), Lê Đình Bảng, Lê Thiện Sĩ, có tên “Giám Mục nước ngoài qua chặng đường 1659-1975 với các giáo phận Việt Nam, in năm 2009 do nhà xb. Tôn Giáo có ghi “ Trong thời gian Đức cha phó Masson làm Tổng đại diện Giáo phận trong năm 1843 đã phiên dịch nhiều tác phẩm:… “Thập giới quảng nghĩa và Bảy phép bí tích. (Les dix Commendements), 286 trang (Tân Định xuất bản 1880, nhà in Kẻ Sở 1889). Theo sách “Giám mục nước ngoài…” của ba tác giả họ Lê trích ở trên thì: “Tại chủng viện Kẻ Non, Đức Cha Retord (tên Việt là Liêu)tổ chức các cuộc bình thơ. Linh mục, chủng sinh và có cả các Nho sĩ cùng tham gia. Chủng viện trở thành như là một “Hàn lâm viện”. Đức Cha Jeantet làm thủ lĩnh. Ngài tinh thông Hán Nôm, kiến văn rộng, được nho sĩ Văn Thân trong địa phương trọng vọng.” ( Lê Ngọc Bích, Lê Đình Bảng, Lê Thiện Sĩ, trang 237).

            Tại Giáo phận Vinh có Văn khố Tòa Giám Mục Xã Đoài là nơi lưu trữ rất nhiều sách báo, tư liệu in và viết tay liên tục từ xưa tới nay, được bảo quản rất chu đáo, cẩn thận nên những gì đưa ra đều là những chứng liệu khả tín.

No.6 –No.19 Sách dạy tập đi đường nhân đức trọn lành: Phi li phê cố chính trung san thuật, Giám mục Gia cô phờ nhật vô [1865], Giám mục Ca lỗ lơ khiêm truyền tử.

            Phi-líp-phê Cố Chính Trung sửa bản in, Giám Mục Gia-cô-bê, vít-vồ, Giám Mục Charles Khiêm cho phép in.

            Chữ “Gia-cô-bê” là tên thánh James (tiếng Anh) hay Jacques (tiếng Pháp) của vị giám mục này. Trong Công Giáo Việt Nam thường dùng chữ “Gia-cô-bê”  chứ không dùng “Gia-cô-phờ”; các chữ Nôm đứng đầu như ph, v, b thì theo Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn, trong cuốn “Văn chương An-Nam” trang 163, xuất bản ở Tân-Định năm 1926, có thể đổi chữ đầu cho nhau, thí dụ “bốc” hay “vốc”, “phản” hay “ván”. Còn chữ “nhật vô”   trong bản văn thì có lẽ đó là viết nhầm hai chữ “viết-vô”   (hai chữ nhậtvà viết có tự dạng giống nhau, rất dễ nhầm) và thường đọc là “vít-vồ” do tiếng Bồ Đào Nha bispo có nghĩa “Giám Mục”. (Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, trang 206; Võ Long Tê, Vascovo,  Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, trong tập Về sách báo của tác giả Công Giáo Thế kỷ XVII-XIX, TP HCM, 1993, trang 42). Chữ vít-vồ viết ở đây có thể dư, nhưng cũng không sao vì lập lại chức danh tác giả. Hai chữ “Đức Thầy” ngày xưa cũng dùng để chỉ chức Giám Mục; thầy cả để chỉ linh mục.

            Giám mục Gia-cô-bê ở đây có lẽ là Giám Mục Jacques Benjamin LONGER, tên Việt là Gia, đến Đại Việt năm 1790, từng là bạn của các tướng lãnh Tây Sơn như Ngô Văn Sở, Vũ Văn Dũng. Giám Mục này học vấn uyên thâm, thông thạo tiếng Việt và các văn tự Hán Nôm, rành lịch sử Việt Nam, cho lập nhà in, cho khắc chữ Nôm rồi in sách đạo, thay các bảng khắc gỗ bằng chữ rời, dựng nhà máy cắt và đóng sách, dạy kỹ thuật đúc và khắc chữ bằng đồng hay bằng chì.

            Giám mục Charles Hubert JEANTET, tên Việt là Khiêm, sinh ở cực Đông nước Pháp, năm 1819 qua VN truyền giáo, tinh thông Hán Nôm, Giám đốc Chủng viện Kẻ Non (Hà Nam), chết năm 1866, chôn ở Kẻ Non sau cải táng về Kẻ Sở.

            Ở đây thiết tưởng cũng nên nói rõ về chức danh Giám Mục, dựa theo các sách đã được phổ biến:

            -Giám Mục, Đức-: 主 教 (chủ giáo), Episcopus, Bishop, Évêque

            Đức (): mạo từ để tôn xưng; giám (): coi sóc; mục (): chăn dắt.

            Đức Giám Mục là người kế vị Các Thánh Tông Đồ, để chăm sóc mục vụ cho cộng đoàn Kitô hữu.

            Đức Giám Mục “nhận lãnh sự trọn vẹn của Bí Tích Truyền Chức Thánh (GH 21, 26), tiếp tục sứ mệnh của Chúa Gie6su là Thầy Dạy, Chủ Chăn, Thượng Tế. Nhiệm vụ chính của Đức Giám Mục là: giảng dạy, thánh hóa, hướng dẫn, chăm sóc cộng đoàn Dân Chúa được trao phó cho mình (x.GLHTCG 875). (Từ Điển Công Giáo 500 mục từ do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy ban Giáo lý Đức tin, Tiểu ban Từ Vựng, Nhà xb. Tôn Giáo , 2011, trang 124).

            Trong cuốn Dẫn vào thần họctác giả Thomas P. Rausch, S.J viết : “GIÁM MỤC: (bishop), từ này là một từ Anglo-Saxon do chuyển âm sai từ Latinh episcopus, có gốc ở từ Hy Lạp episcopos, nghĩa là “người giám sát”. Một giám mục là một người được truyền cho chức vụ cao nhất của sứ vụ trong Giáo Hội, Giám mục Rô ma thường được gọi là “giáo hoàng”, một tước hiệu có gốc ở từ Hy Lạp papas, và từ Latinh papa, nghĩa là “cha”. (Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, tr. 398).

            Cố Chính tức Linh mục Tổng Đại Diện của mỗi một Giáo phận (Vicarius generalis):  Phó chủ giáo, cha chính (cũ), vị linh mục thay mặt giám mục giáo phận đứng đầu việc hành chánh trong giáo phận (Nguyễn Đình Diễn, Từ Điển Công Giáo Việt Nam, Nhà xb. Đồng Nai, 2014, trang 2140).

            Bộ Sách dạy tập đi đường nhân đức trọn lành gồm 14 tập với tất cả 3304 trang phải là một công trình đồ sộ, do nhiều người đóng góp thực hiện qua nhiều thời đại.

No.20: Thánh giáo kinh nguyện: Giám Mục Xu Xay Chiêu truyền tử.

            Tên thánh Xu Xay gợi ra nhiều thắc mắc và có vẻ xa lạ với người Công Giáo Việt Nam thời nay. Tên Nôm Xu Xay ngày xưa, nay được chuyển ra thành Giu-se dựa trên âm tiếng Pháp Joseph.

            Đó là tên Giám Mục Giuse hay Joseph THEUREL, tên Việt là Đông (1853) và Chiêu (1859), sinh năm 1829 tại La Rochelle Pháp. Ngài đã soạn cuốn tự vị “Annam-Latinh và dịch một số sách giá trị.

            Joseph Theurel sinh ngày 27-10-1829 tại La Rochelle (Haute Saône), Pháp. Gia nhập Hội Truyền giáo Paris ngày 28-9-1849, thụ phong linh mục ngày 5-6-1852. Để chuẩn bị đi truyền giáo ở Việt Nam, Cha học nghề ấn loát trong 3 tháng, tìm hiểu kỹ thuật pha chế mực in, kỹ thuật ấn loát ở châu Âu, đúc chữ rời, sắp chữ.

            Năm 1852, xuống tàu qua Singapore, bắt đầu học tiếng Việt với chủng sinh người Việt ở Pe1nang. Sau đó, qua Hồng Kông thuê thuyền buồm đến Vĩnh Trị ngày 13-10-1853. Lúc này, Cha nhận tên Việt là Đông. Cha tiếp tục học tiếng Việt, và nói thành thạo sau hơn 3 tháng.

            Công việc đầu tiên của Thừa sai Theurel là tổ chức lại và cải tiến các nhà in đã có từ thời Đức cha Retord, thành lập nhà in chữ Nôm ở Kẻ Nhàu (Tân Độ), lập nhà in chữ ở Kẻ Vĩnh. Cha đúc 40.000 chữ rời để xếp thành bản in, in ấn theo kỹ thuật ở Âu châu thời bấy giờ. (Lê Ngọc Bích, Lê Đình Bảng và Lê Thiện Sĩ, Sách đã dẫn, trang 239).

No. 21: Thánh Mẫu phương danh : Bảo lộc Phan-chi-cô truyền tử : Đó là Giám Mục Paul Francois PUGINIER, tên Việt là Phước là một Giám mục nổi tiếng thông minh và nhiệt thành, đạo đức, làm Tổng Đại Diện tức Cố Chính năm 1865 tại Hà Nội sau lên Giám Mục.

No. 22: Chân đạo yếu lý:Giám mục Ca-lỗ-lơ Khiêm san thuật truyền tử:

            Sách “Chân đạo yếu lý”, tác giả là Đức cha Longer tức Jacques Benjamin Longer tên Việt là Gia mà ở số 6-19 chúng tôi có viết ở trên. Sách này được in ở Kẻ Sở năm 1883.

No.23Hội đồng tứ giáoChủ giáo nhã sắt Chiêu tân san truyền tử:

            Chủ Giáo là Giám Mục theo cách dùng chữ của người Công Giáo Trung Hoa, sách xuất bản 1880, nói về sự hòa đồng của Nho, Phật, Lão, Công Giáo. Đức Cha Chiêu là người cho phép san định lại mà truyền in sách này. Giám mục (Nhã  Sắt 若 瑟) có nghĩa là GM Giuse. Sách này do một tác giả vô danh viết nhưng có ảnh hưởng trong quần chúng. Trong sách “Giám mục các nước ngoài”…có ghi: “Trong quá trình hoạt động truyền giáo, người ta thấy rằng có những người vì thấy được chân lý của đạo, đã xin theo đạo, như các trường hợp: Ông thầy pháp ở làng Hòa Chúng, một họ đạo ở xứ Sầm Sơn, nhờ được đọc cuốn “Hội đồng tứ giáo” mà đã ngộ đạo, xin theo đạo mặc dù cha mẹ, vợ con đều không theo.” (Lê Ngọc Bích, Sách đã dẫn, trang 289).

No. 41Sách Dẫn đường nhân đức: Xu-xay Cố Mỹ san thuật, Bảo lộc Phan-chi-cô Phúc truyền tử.

            Sách này do Cha Tổng Đại Diện Mỹ sửa lại, Giám Mục Phao lô Phan-xi-cô Phước cho in.

No. 47: Nam Việt-Dương Hiệp tự vị do Giám Mục Jean-Louis TABERD tên Việt là TỪ biên soạn với sự đóng góp của Linh mục tử đạo Phan Văn Minh. Thật ra sách tự vị này tham chiếu phần lớn cuốn tự vị chép tay Dictionarium Anamitico-Latinum của Giám Mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) đã soạn vào những năm 1772-1773.

No. 76I-nê tử đạo – Vãn : Tác giả vô danh nhưng bài vãn được truyền tụng rất nhiều, đã được in trong từ điển của Taberd (1838), và trong bản tiếng Pháp của Louvet, 1888 và được các nhà nghiên cứu văn học như Võ Long Tê đề cập đến nhiều lần.

No. 81, No 83, No. 85, No. 86 :  Giám Mục Idiđôrô hay Isidorus là tên của Giám Mục Isidore Colombert (1873-1894), tên Việt là Mỹ, người đã xây Vương Cung Thánh Đường Đức Bà ở Sài Gòn năm 1877.

[...]

. Trích từ nguồn: http://vnqvn.blogspot.com/2020/09/chu-nom-cong-giao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét